Việt Nam mất nhiều dược liệu quý
- Điều kiện tự nhiên ở Việt Nam là tiềm năng to lớn để phát triển nhiều loại dược liệu, đặc biệt là nhiều loại dược liệu quý, nhưng hiện nay việc phát triển dược liệu chỉ mới ở bước đầu...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng tại Hội nghị phát triển dược liệu Việt Nam - Ảnh: TTXVN |
Ngày 12-4, phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ về phát triển dược liệu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhiều loại cây dược liệu quý “chưa được quy hoạch dẫn đến hiệu quả khai thác thấp”. Trong khi đó VN phải nhập khẩu dược liệu, một số đã bị tách chiết hoạt chất trước khi được đưa về VN.
Chọn dược liệu quý làm sản phẩm quốc gia
“Cần quy hoạch sản xuất loại dược liệu gì, trồng ở đâu và lựa chọn một số dược liệu có tiềm năng để áp dụng cơ chế như với sản phẩm quốc gia”- Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, phát triển ngành dược liệu phải gắn với các doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp dược để chế biến tiết kiệm, có hiệu quả, bao bì đẹp, quảng bá mạnh mẽ là cách làm chúng ta đang cần đặt ra hiện nay và phải có hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra quốc tế.
Trước thực trạng quy mô phát triển cây dược liệu ở VN còn nhỏ bé, chưa có hiệu quả cao, còn nhiều lãng phí, một số cây có nguy cơ không tồn tại, Thủ tướng yêu cầu phải thúc đẩy sản xuất quy mô lớn, nông nghiệp công nghệ cao, phải nhìn nhận lại vai trò của dược liệu trong phạm vi quốc gia, ở từng địa phương cũng như các ngành, đặc biệt ngành y tế, để chú trọng tập trung phát triển.
Phát triển dược liệu phải gắn với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó, phải tổ chức lại ngành dược liệu trong tất cả các khâu, đặc biệt là sản xuất, chế biến, sử dụng kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền.
Chưa phát huy được ưu điểm của dược liệu
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết hiện VN chỉ còn 206 loài cây dược liệu có thể khai thác tự nhiên (trong khi có trên 5.000 loài cây dược liệu và nấm có thể dùng làm thuốc đã được tìm thấy).
VN cũng chưa phát huy được ưu điểm của các loài cây dược liệu đã có, như sâm Ngọc Linh có hàm lượng hoạt chất cao hơn nhân sâm Triều Tiên nhưng hầu hết dùng để... ngâm rượu và hầu như chưa đầu tư nuôi trồng, nghiên cứu, phát triển thương mại được nhiều. Cây thông đỏ Lâm Đồng có hàm lượng hoạt chất chữa ung thư cao nhất thế giới nhưng VN vẫn chưa sản xuất được loại thuốc sử dụng hoạt chất này, trong khi thế giới đã làm được từ năm 1994.
Người dân xã Trung Lý, Mường Lát thu gom dược liệu |
Thương mại hóa các bài thuốc cổ truyền
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ KH-CN, Bộ NN-PTNT và các bộ liên quan chú trọng bảo tồn nguồn gen, phát triển dược liệu quý hiếm, hỗ trợ, phát hiện, đăng ký, công nhận sở hữu trí tuệ, thương mại hóa các bài thuốc y học cổ truyền..., thu hút đưa nhà máy chế biến vào những vùng sản xuất dược liệu có quy mô lớn.
“Dược liệu làm thuốc chữa bệnh thì phải chặt chẽ trước khi áp dụng, còn thuốc bồi bổ thì phải phổ cập cho nhân dân. Ngoài ra, ngành y tế phải mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế đối với việc sử dụng thuốc dược liệu, y học cổ truyền, khuyến khích người dân khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, 80% dân số ở các nước đang phát triển sử dụng y học cổ truyền hoặc thuốc từ thảo dược để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Nhu cầu về dược liệu, các sản phẩm từ dược liệu có xu hướng ngày càng gia tăng.